CENTER FOR COMMUNITY HEALTH PROMOTION (CHP)
Nhiễm HIV/AIDS không phải là chấm hết. Họ có thể sống một cách hữu ích, có thể cống hiến nhiều cho cộng đồng nếu cộng đồng dang tay ra với họ. Và chính Kiên “ết” đã làm thay đổi cách nhìn về những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ.Chúng tôi gặp Phan Văn Kiên (SN 1976) khi chương trình “Mùa hè bé ngoan” của Kiên vừa kết thúc.
Nhiễm HIV/AIDS không phải là chấm hết. Họ có thể sống một cách hữu ích, có thể cống hiến nhiều cho cộng đồng nếu cộng đồng dang tay ra với họ. Và chính Kiên “ết” đã làm thay đổi cách nhìn về những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Phan Văn Kiên - Chủ nhiệm HTX Sông Lam Xanh - một mô hình hoạt động dành cho người nhiễm HIV/AIDS
Chúng tôi gặp Phan Văn Kiên (SN 1976) khi chương trình “Mùa hè bé ngoan” của Kiên vừa kết thúc. Đây là chương trình được tổ chức nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 dành cho trẻ em có “H” và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do chính Kiên xây dựng ý tưởng rồi chạy đôn chạy đáo xin tài trợ để tổ chức. “Các cháu vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi quá, tôi chỉ muốn các cháu có thêm cơ hội để được yêu thương, được đối xử bình đẳng như những đứa trẻ bình thường khác”, anh tâm sự. Kiên tự “buộc” mình vào những phận đời nhiễm “H” như thế.
HIV mở cánh cửa về với cuộc đời
Nếu như những người khác, nhiễm “ết” là mất tất cả thì với Phan Văn Kiên - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Sông Lam Xanh (Tp Vinh, Nghệ An) - lại là điều ngược lại. Chính khi bị nhiễm căn bệnh thế kỷ, Kiên mới đủ tỉnh táo và quyết tâm để trở lại làm một con người đúng nghĩa và biết sống trách nhiệm hơn đối với cuộc đời.
Năm 17 tuổi, đang học lớp 11 thì Kiên bập vào ma túy. Khi mọi người phát hiện ra cũng là lúc Kiên đã hoàn toàn phụ thuộc vào thứ khoái cảm chết người ấy. Mọi chi tiêu bị thắt chặt, đầu óc chỉ nghĩ tới “thuốc”, không còn chỗ cho sách vở, Kiên bỏ ngang việc học hành. Thương con, một phần vì thanh danh của gia đình, của dòng tộc, bố anh quyết định nhốt con ở nhà để tách nó ra khỏi đám bạn hư hỏng nhưng làm đủ mọi cách Kiên vẫn trốn được ra ngoài.
Phan Văn Kiên vui chơi với trẻ em nhiễm "H" và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong Tết Thiếu nhi vừa qua
“Lúc cắt cơn mình nghĩ có thể cai được thế nhưng khi lên cơn nghiện thì mọi quyết tâm đều tan biến, chỉ nghĩ làm sao có thuốc. Mẹ khóc, cha khóc, anh chị khóc… nhìn thấy thế đau lắm nhưng…”, giọng Kiên nghèn nghẹn. Không thể nhốt con mãi trong nhà, bố Kiên quyết định gửi con lên núi hy vọng tránh xa môi trường sống hiện tại để có thể cai nghiện. Thế nhưng, lên rừng, Kiên vẫn mang được thuốc lên để thỏa cơn thèm. Chịu không thấu, Kiên lại trốn về TP Vinh tụ tập cùng đám bạn hư hỏng của mình.
Hút, hít không đủ cữ, Kiên chuyển qua chích. Đi cai rồi tái nghiện, cuộc đời Kiên cứ chôn vùi vào ma túy. “Tính cả cai tại nhà và đi cai trên núi tôi cũng trải qua đến 6-7 lần chi đó. Nhưng cứ cai rồi cứ nghiện, cai về nghiện nặng hơn. Để có tiền mua thuốc, tôi đã làm đủ thứ chuyện trên đời, đi theo bọn đầu gấu làm bảo kê ở các chiếu bạc, đi đưa thuốc, khi túng quá đành làm liều đi bán heroin để kiếm tiền nuôi những cữ thuốc ngày càng dày đặc của mình, duy chỉ có đi ăn cướp là tôi “không đủ bản lĩnh” để làm. Những ngày đó, trong đầu tôi không có một ý niệm nào khác ngoài việc làm sao để có thuốc mà thỏa cơn nghiện.
Hồi đó, không thỏa mãn được cơn đói thuốc khổ sở lắm, oán trách bố mẹ, oán trách tất cả mọi người nhưng khi thuốc không còn vật nữa thì đầu óc tỉnh táo lại thấy day dứt, ân hận vì mình là bố mẹ phải khổ. Nhưng đã bập vào ma túy rồi, đường trở về khó lắm”.
Nhưng Kiên đã lách qua khe cửa hẹp để trở lại với đời, cánh cửa ấy mở ra khi Kiên không còn gì để mất, không còn gì để hy vọng: Kiên bị nhiễm HIV/AIDS. Khi nghiện ma túy, Kiên tự nhận mình là “đồ bỏ đi” nhưng “đòn HIV” giáng một cú mạnh vào tiềm thức, vào khát vọng sống cho ra một con người của chàng “ết” này. 10 năm sống chung với heroin, 6 lần cai rồi lại tái nghiện, không ai nghĩ Kiên có thể dứt mình ra khỏi ma túy, ấy thế mà lúc tưởng chừng không còn gì để bấu víu, Kiên lại làm được điều mà nhiều người khác không thể làm được.
Công việc thường ngày của Kiên ở trụ sở HTX Sông Lam Xanh
Lần này, Kiên xin vào Trung tâm lao động - xã hội 3 (đóng tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An) để cai nghiện. Kiên nhớ lại: “Mỗi khi lên cơn nghiện có cảm giác như hàng nghìn con kiến đang bò trong xương, không thể chịu được. Đã có những lúc mình tưởng chừng sắp bỏ cuộc đến nơi nhưng chính những lúc đó mình nghĩ nếu buông xuôi, mình sẽ tự đóng cảnh cửa trở về làm một con người đúng nghĩa. May mắn thay, trong thời gian đó, bố mẹ, người thân, các thầy cô trong trung tâm đã luôn ở bên, động viên và tiếp thêm nghị lực cho mình”.
Tươi lại những cuộc đời có “H”
Trở về từ trại cai nghiện, gần 1 năm trời, Kiên đóng cửa ngồi ở nhà để tránh xa những người bạn nghiện, để chiêm nghiệm về cuộc đời và tìm cho mình một lối đi. Kiên xin bố mở một quán rửa xe, vá xe đạp ngay trước hiên nhà. Quán rửa xe của Kiên “ết” cũng khá đông khách, người ta đến vì tò mò, đến cũng vì muốn ủng hộ anh trên còn đường tìm lại chính mình nhưng không ít người nhìn anh với con mắt dè bỉu, xa lánh.
Tại sao người có “H” không thể sống và làm việc như những người bình thường? Kiên nghĩ thế và bắt đầu lập kế hoạch thành lập nhóm, tập hợp những người “cùng dòng” để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Một ngày tháng 10/2008, nhóm “Tự lực Sông Lam Xanh” do Kiên làm nhóm trưởng đã ra mắt với sự tham gia của gần 30 thành viên có “H”. Để có được cái tên mang “thương hiệu xứ Nghệ” như vậy, Kiên đã mất bao nhiêu đêm trằn trọc. Con sông Lam quê anh bao nhiêu năm mang màu xanh phủ các bãi bồi no ấm cho các làng ven sông. Thì giờ đây, màu xanh ấy cũng sẽ mang lại hy vọng và cuộc đời mới cho người nhiễm “H”.
Với Kiên, điều quan trọng nhất bây giờ là chăm lo cho những người cùng cảnh ngộ
Nhóm hoạt động với mục đích kêu gọi quyền và lợi ích hợp pháp cho người có “H” và bị ảnh hưởng bởi HIV, tăng cường sự tham gia hoạt động của người có “H” trong hoạt động xã hội có liên quan đến HIV/AIDS, nhận sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân dành cho người nhiễm “H” và người bị ảnh hưởng. Năm 2010, nhóm chuyển đổi thành Hợp tác xã Sông Lam xanh, mô hình kinh doanh đầu tiên cho những người có “H” trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh cung cấp gạo, HTX còn đảm trách việc cung cấp nước uống cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn, buôn bán hàng tạp hóa tại số 15, đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Hiện tại, HTX đã thành lập được một cơ sở ở Hà Tĩnh.
Sau hơn 4 năm hoạt động, từ 30 thành viên ban đầu, đến giờ HTX Sông Lam Xanh đã có gần 50 thành viên. Chị G. - một thành viên của HTX chia sẻ: “Khi nhiễm H, mình nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết. Khi chồng qua đời thì mình hoàn toàn suy sụp, không thiết sống nữa. Thời điểm đó, Kiên đã chia sẻ với mình về dự định thành lập nhóm của những người cùng “dòng”. Đây thực sự là một cái “phao” cho mình. Gần 4 năm qua, với việc tham gia các hoạt động cộng đồng và kinh doanh của HTX, mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều, có thể tự lo cho bản thân, bớt gánh nặng cho xã hội. Nhiễm “H” không phải là đặt dấu chấm hết cho cuộc đời”.
Không những tạo công ăn việc làm và thu nhập cho những người cùng cảnh ngộ mà Sông Lam Xanh còn là “bà mối” mát tay cho 5 cặp đôi có H nên vợ nên chồng, sắp tới sẽ có một đám cưới nữa diễn ra. “Thế bao giờ đến lượt ông chủ nhiệm hợp tác?”, tôi hỏi. Đôi mắt Kiên chợt chùng xuống: “Với tôi, quan trọng nhất bây giờ là phải lo cho cuộc sống của các anh em trong HTX để họ có thể tự tin hơn trong cuộc sống mà kéo dài những tháng ngày ít ỏi của mình”.
"Thắp lên ngọn lửa hồng/ Ấm áp cả trời đông/ Giữa cõi đời mênh mông/ Cần nhau một tấm lòng". Những câu thơ đó được Kiên in trang trọng trước trụ sở của HTX như một lời khẳng định về tôn chỉ hoạt động của mình. Một ngọn lửa hồng đã được thắp lên, những số phận tưởng đi vào ngõ cụt đang hồi sinh…
Bài viết, hình ảnh: Hoàng Lam (https://hiv.com.vn/hoa-nhap-cong-dong/nghe-an-hoi-sinh-nhung-manh-doi-co-h-446420)